Xã Hoa Thủy tọa lạc trên vùng bán sơn địa với đất đai khô cằn được mọi gười gọi với cái tên gắn liền với đất -vùng đá moọc. Hoa Thủy cùng với Lệ Thủy nằm ở đòn gánh miền trung, quanh năm oằn lưng với gió lào bỏng rát và gió heo may buốt tận xương da. Từ bao đời nay, người dân Hoa Thủy một nắng hai sương, lam lũ với ruộng đồng, nương sắn vườn khoai.

Về Hoa Thủy, ta bắt gặp những con người tảo tần bán
mặt cho đất bán lưng cho trời. Mùa nào việc ấy, không khi nào những con người
vùng “rốn” của Lệ Thủy ngơi tay. Mùa xuân đến, ấy cũng là lúc bà con tất bật
cấy cày cho kịp thời vụ. Nào ruộng cạn, ruộng sâu, ruộng vời…tất cả đều gieo
cấy xanh tươi trước dịp tết. Ấy vậy nên dù đến chiều hai chín hoặc ba mươi tết,
có khi trên đồng ruộng vẫn tấp nập cấy cày. Đó là cơm áo, là nguồn thu nhập
chính của bà con Hoa Thủy. Mùa hè trở về với những cơn gió lào ráp da thịt cũng
là lúc bà con hớn hở thu hoạch lúa mùa. Những đoàn xe trâu, xe bò nối đuôi nhau
chỏ đầy lúa về sân phơi hòa trong những giọt mồ hôi mặn chát trên những khuôn
mặt lam lũ. Khi mùa gặt đã vãn, những đàn bò vàng mọng trải đều trên khắp các
cánh đồng. Hiếm nơi đâu ta bắt gặp được những cảnh thanh bình như thế. Trong
khi các vùng khác đã sử dụng máy móc thay thế cho sức trâu thì Hoa Thủy vẫn
chăm chỉ con trâu đi trước cái cày đi sau trên đồng ruộng mênh mông nước. Đó là
điều đặc biệt, là hình ảnh lưu giữ giá trị của những giọt mồ hôi cấy cày. Bà con
luôn biết lấy công làm lãi nên thuê máy móc thì chẳng còn bao nhiêu. Bởi thế họ
cố gắng chịu khó tự mình làm hết việc để tăng thêm thu nhập trên đồng ruộng. Mua
thu đến, tiết trời mưa nắng thất thường, bà con lại hối hả xới nương vườn chuẩn
bị trồng hoa cho dịp tết. Những năm gần đây, phong trào trồng hoa tết của bà
con khá rầm rộ. Đây cũng là bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và
tận dụng vùng đất cát pha để ươm cây. Lợi thế của người dân Hoa Thủy là nhà nào
cũng có đất vườn rộng, ngoài việc nuôi trâu bò thì có thể trồng thêm hoa màu
rất hiệu quả. Mùa đông trở về lạnh buốt, những chiếc đò nhôm gắn đuôi tôm lại
băng ra phá Hạc Hải, nơi có nguồn tôm cá dồi dào để góp nhặt lộc của trời ban
tặng. Đánh bắt cá cũng là một nguồn thu nhập lớn của bà con trong suốt cả năm,
cứ lúc nào hết đồng áng thì mọi người lại vào nghề cá. Những nhà ít ruộng thì
tha hương cầu thực, người lên rừng kiếm củi,lấy ong mật, trồng keo tràm, người
sang các vùng khác làm phụ hồ, giúp việc, người ra nước ngoài lao động phổ
thông…Trăm người trăm nghề, ngày này qua tháng khác, những người con Hoa Thủy
lặng lẽ như con ong chăm chỉ hút mật về làng để những làn khói chiều bay trên
gác bếp ngày ba lần, để trẻ thơ ríu rít trên đường làng, để quê hương ngày càng
đổi mới.
Với kinh tế thuần nông, chủ yếu phụ thuộc vào thiên
nhiên nên con người Hoa Thủy tự trong mình đã mang bản chất dân dã. Văn hóa
làng xã gắn chặt những con người đôn hậu vất vả thành một nét văn hóa đặc trưng
của Hoa Thủy. Trước hết là giọng nói, chỉ cách thị trấn Lệ Ninh 10 phút đi xe
máy những tiếng nói của người Hoa Thủy có nét khác biệt rõ ràng, những chữ ă
thường nói thành chữ a, chữ i và y rất khó để phân biệt…Dân gian thường nói “chửi
cha không bằng pha tiếng”, âu đó cũng là bản sắc của Hoa Thủy. Văn hóa làng xã
còn được thể hiện qua những lũy tre làng. Đi dọc các thôn xóm Hoa Thủy, ta bắt
gặp những rặng tre làm hàng rào, ranh giới, những chú trâu nằm nhai bóng râm,
tiếng gà trưa xao động…Từ rất lâu, những người dân nơi đây vẫn còn giữ nét văn
hóa sau lũy tre làng với những phong tục ma chay, cưới hỏi… Chợ Hoa Thủy được
xem là đầu mối thông tin, cứ sáng sớm, các chị các mẹ lại xách làn đi chợ, mua
thì ít mà hóng hớt thì nhiều. Cả buổi sáng chỉ mua được mớ rau vì bao nhiêu
thời gian đều dành cho những câu chuyện thôn xóm, nào con bà kia vừa đỗ đại
học, con anh nọ cưới vợ già, chị cuối xóm chưa cưới chồng mà đã sinh con…Những
mặt hàng ở chợ phần lớn là những sản phẩm do chính tay gười dân làm ra, họ ra
chợ không phải để kinh doanh mà phần lớn để đổi chác, bán cá mua thịt, bán rau
mua hành…Cũng vì thế, mỗi đồng đồng xu đối với bà con chính là đồng tiền xương
máu. Họ dành dụm chắt chiu để dành việc lớn còn thường ngày vẫn rau cháo dưa
cà. Người Hoa Thủy rất biết tiết kiệm, chi tiêu cẩn trọng không bừa bãi. Chẳng
ai biết trong nhà ai có bao nhiêu lúa nhưng khi có việc họ chẳng bao giờ vay
mượn, không làm phiền đến người khác. Ông bà mình nói “chẳng ai thương mình
bằng chính mình thương minh”, bởi thế người Hoa Thủy rất chủ động về tài chính.
Họ “giàu ngầm” nhưng nghèo minh bạch, họ chi tiêu cần kiệm, khắc khổ nhưng rất
phóng khoáng trong các dịp văn hóa cộng đồng. Con người không lề lối nhưng rất
nguyên tắc từ gia đình đến văn hóa làng xã.
Hoa Thủy thế đó, bình dị mà thân thương, lam lũ tảo
tần mà vẫn niềm tin sắt đá, gắn bó với quê hương dù mưa giông hay bão lửa. Một
nét thôi cũng đủ để ta nhận ra những người con sông nước Lệ Thủy giữa cuộc sống
xô bồ bận rộn và bon chen.
Bùi Thị Minh