GIỚI THIỆU
TIN TỨC - SỰ KIỆN
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 93
Số lượt truy cập: 14423050
QUẢNG CÁO
CUỐI MỘT DÒNG SÔNG (Lê Văn Thuần) 12/8/2009 3:21:25 PM
Trời cuối đông, cái rét không còn cắt da cắt thịt nữa, cảnh vật đang chuyển mình qua giấc ngủ mùa đông khắc nghiệt. Trong mọi ngõ ngách của vùng bãi ngang bây giờ chỉ còn cái se lạnh dễ chịu. Ông giáo Kiềng vẫn dậy sớm như mọi khi. Nhưng lần này không phải chuẩn bị đến trường mà để chuẩn bị cho đứa con trai nối nghiệp cha lên bục giảng. Mọi thứ đang còn im ắng trong tiếng đồng hồ tích tắc đều đặn.
       

Vậy là đã một tuần ông giáo không còn đến trường nữa. Nhà nước đã cho ông về an dưỡng tuổi già. Hơn ba mươi năm nay, đôi chân ông đã băng qua mọi nẻo đường, cõng chữ lên tận vùng cao, ươm mầm cho bao cây đời tươi tốt. Có lẽ đây là lúc thư thái nhất trong cuộc đời. Ông cũng mong mình có những ngày cuối đời thanh thản. Nhưng bây giờ trước mắt biết bao nhiêu lo toan, suy nghĩ. Nhìn xuống chiếc đồng hồ cũ kĩ, ông giáo biết chưa đến lúc gọi con trai dậy. Nó là niềm tự hào lớn nhất đời ông. Đời giáo chức bao nhiêu buồn vui ông đều dồn hết cho nó.Tâm huyết cả cuộc đời là để con nối nghiệp mình bây giờ đã toại nguyện. ánh mắt ông ánh lên một niềm vui nho nhỏ nhưng vẫn không che nổi những nếp nhăn trên vầng trán suy tư.Vì ông biết con đường của con ông đang đi là do ông lựa chọn, ông vẽ ra bao nhiêu màu tươi sáng cho nó nhưng xem ra nó còn chưa hài lòng lắm. Nhìn chúng bạn xống xếnh bao nhiêu áo quần màu sặc sở nó lại càng thấy mình cũ kĩ trong chiếc áo trắng quần đen ngày ngày đứng trên bục giảng. Ngoài mặt nó không muốn làm ông buồn nhưng hình như bên trong nó không tha thiết gì mấy. Vào nghề được hơn một tháng rồi nhưng xem ra nó vẫn còn lơ là lắm.  Ông biết vậy nên càng chu đáo lo cho nó mọi việc để tạo niềm vui với nghề.

Trời đã sáng dần, cảm giác được hơi gió lạnh, ông giáo giở tủ  lấy thêm cho mình một chiếc áo khoác dài tới đầu gối. Trong chiếc tủ màu sơn nhạt, sờ đâu cũng toàn sách vở, bút mực và  mùi giấy cũ. Một chiếc hộp sơn đỏ vuông vắn chệch ra ngoài, ông vờ tay đẩy lại nhưng theo thói quen ông lại lấy nó ra. Bao nhiêu giấy khen, bằng cấp màu mực đã nhạt nhưng được gói gém rất cẩn thận. Chiếc khóa nhỏ đã mòn hết lớp nhũ, bắt đầu ngã màu vàng. Ông cẩn thận sờ từng tờ giấy, âu yếm vuốt ve như xoa đầu trẻ con. Ông không đọc vì ông đã thuộc từng câu, từng chữ và tháng ngày trong đó. Đã nhiều lần ông kể với con trai những cống hiến thầm lặng và thành tích vẻ vang của mình nhưng hình như nó hơi lơ đãng nên ông đành để trong lòng. Cứ mỗi lần như thế, ông lại tâm sự với chính mình và sống lại những tháng ngày gian khổ nhưng nhiều niềm vui.

Có lẽ bây giờ mọi thứ đầy đủ quá nên lớp trẻ chưa biết lo không thấu hiểu lúc cơ hàn của mình? Ông giáo nghĩ vậy nên cũng không nỡ trách con trai. Cũng đúng thôi! Bây giờ còn đâu trường lá, tường đất, đi bộ đến trường và mất mấy ngày mới về thăm nhà như trước nữa. Học trò đâu còn xách nước, đi bắt cá, nấu cơm ăn chung với thầy nữa ... tất cả đã khác rồi. Chiếc máy vi tính ông mới mua cho con trai gợi nhắc cho ông một thời thiếu thốn với trang giáo án viết tay bên ngọn đèn dầu miệt mài đêm trắng. Bây giờ là đèn chiếu, là giáo án Powerpoint .... mọi thứ đều rất mới mẽ và  xa lạ với chính người thầy lão luyện như ông. Đã khác xa rồi thời bao cấp với tem phiếu, lương khô, với học trò, trường, lớp ... Bao nhiêu suy nghĩ miên man trong đầu đưa ông về một thời dĩ vãng xa xăm đầy kỉ niệm.

Tiếng đứa cháu ngoại thức giấc đưa ông trở về với thực tại đời thường. Trời đã sáng hơn, những âm thanh trong vườn đã bắt đầu ngày mới. Nhìn vào giường con trai thấy trống, không biết nó đã dậy từ lúc nào. Ông hơi bất ngờ và phần nào ấm lòng bởi mọi hôm phải đánh thức nó. Thì ra nó đã bắt đầu yêu nghề dạy học, nó biết lo và có sự đam mê. Vừa trở vào chổ đứa cháu ngoại, tiếng thầy giáo trẻ nói vọng vào:

-Mời ba vào ăn sáng!

Ông giáo chưa hết ngạc nhiên, đứa con trai lại tiếp:

            -Hôm nay có tiết dự giờ và kiểm tra hồ sơ nên con đã chuẩn bị chu đáo cả rồi. Từ nay ba đừng lo nghĩ cho con nhiều như trước nữa! Con thấy nghề dạy học cũng thú vị lắm ba ạ !

bao nhiêu vui sướng trào dâng trong lòng như muốn tung ra nhưng sợ con tự mãn nên ông nghiêm nghị lại:

            -Phải cố gắng nhiều nữa con ạ ! Nghề giáo phải cần mẫn từng ngày để tự hoàn chỉnh mình trong mắt đồng nghiệp. Trước là cho con sau nữa để ba thanh thản tuổi già. Ba thấy con vẫn còn lơ là lắm.

Hiểu ý ba, nó không nói gì, ăn vội bát cháo cho kịp giờ đến lớp. Nói thì nói vậy nhưng ông hiểu cả rồi, nó bắt đầu lại cuộc đời ông ba mươi năm trước. Không phải nó bỏ bê công việc mà hình như bước đầu còn bỡ ngỡ nên nó lúng túng và chưa kham nỗi. Đã bao lần ông để ý thấy nó vò đầu, bứt tai vì mấy con số chưa chính xác, mấy hồ sơ,  mấy phần trăm chất lượng...đến tận đêm khuya bên bàn vi tính. Trong lòng ông giáo già trào lên bao trăn trở, băn khoăn. Nhưng may sao nó cũng là đứa con ngoan và xem ông như là tấm guơng lớn trong cuộc đời. Trong khi chúng bạn bỏ phí thời gian và sức lực để lao vào những cuộc chơi vô bổ thì nó vẫn điềm đạm bên trang giáo án. Được thế nên ông càng yên tâm hơn.

            Tiếng xe máy đã nhỏ dần ra ngoài ngõ xa. Ông giáo thoáng thấy hình ảnh của mình một thời trai trẻ xông pha và đầy nhiệt huyết trong bóng dáng của con.

            Trở vào nhà, ông giáo lại bận rộn cho đứa cháu đang học lớp một với bao sách vở bộn bề. Cũng như với con, ông chăm chút cho cháu từng miếng ăn, giấc ngủ. Ông cầm tay chỉ cho nó từng nét bút đầu tiên. Giá như bà ngoại và mẹ nó còn thì ...!!! Cũng tại ông cả. Vợ ông qua đời khi ông còn giảng bài tận vùng A Lưới. ông chỉ  kịp về đưa bà ra bãi bồi cuối xóm, còn bao nhiêu ông chôn chặt vào lòng. Bạn bè giáo  chức đến viếng chia sẽ sự đau đớn, nghèo khổ với củ sắn, củ khoai để ông vơi đi phần nào buồn tủi. Đứa con gái đầu lòng không có mẹ nên cũng lam lũ lo toan rồi bệnh tật để lại hai bố con và đứa cháu ngoại ra vào hương khói.

            Bây giờ còn bao nhiêu tình thương, ông dồn hết cho con và cháu, mong sao cho nó vững vàng. Cái tên Kiềng của ông bây giờ cũng là niềm hi vọng của người mẹ quá cố mong ông vững vàng như dân gian thường nói. Nhưng xem ra mong muốn và thực tế quá khác xa nhau. Bao nhiêu năm cống hiến trên bục giảng, ông để lại cho mình một tiếng thầy và muôn vàn thiếu thốn, lo toan. Một cuốn sổ hưu đủ sống cho mình và hương khói cho vợ con. Bấy nhiêu thôi cũng đủ cho ông cật lực một đời. Bù lại cho ông là tiếng gọi ông giáo của bà con lối xóm kính trọng một đời trong sạch, thanh cao. Còn những thứ khác ư? Ông không hề nói nhưng ai cũng biết. Một ngôi nhà cấp bốn đủ ấm cúng cho ba ông con lúc nào cũng treo đầy hoành phi, câu đối. Cứ đến ngày 20/11 lại thêm sặc sở màu hoa của bao thế hệ gửi về. Ông lại có dịp sung sướng , thao thao bất tuyệt với học trò bây giờ đều là ông to bà lớn:

            -Thằng Tùng đen bây giờ là kĩ sư nông nghiệp vì ngày xưa nó toàn ăn sắn, con Hạnh ngày xưa ít nói thế mà bây giờ là cán bộ tỉnh Đoàn và thằng Sao, thằng Linh nữa ... Chúng nó bây giờ đều thành đạt cả rồi, điện thoại di động, máy vi tính xách tay luôn ở bên mình không còn mò cua bắt ốc như ngày trước nữa.  Bao nhiêu niềm vui tuôn trào không kể xiết cho đến tận đêm khuya. Sau những lời chúc chân thành dành cho ông giáo già, những bó hoa nồng nàn tình cảm, học trò của ông lại mỗi người một việc, bận rộn, miệt mài. Như hòn đá ném xuống dòng sông sâu, niềm vui trôi qua, ông lại lặng lẽ với cuộc sống đời thường, với mảnh vuờn và vài chậu cây cảnh và tận hưởng làn gió sông quê.

Dòng sông mùa đông không còn cuồn cuộn chảy, hai bên bờ bây giờ là bê tông, cốt thép thay thế cho những bờ lau ngày trước rợp một vùng sông nước. Soi bóng lòng sông là những ngôi nhà cao ráo, sạch sẽ và rực rỡ sắc màu. Sáng nay, dòng sông như sáng hơn và rộng thêm ra. Ông giáo già âu yếm dắt tay cháu đưa đến trường. Trên con đường làng nhộn nhịp người và xe, dáng ông hơi còng vì năm tháng, lưng cháu cúng hơi cong vì cặp sách trên lưng. Ông gấp gáp, vội vã, cháu cũng cố theo cho kịp bước chân. Ngang qua  trường mẫu giáo làng, đứa cháu chợt dừng lại, ông chưa hiểu vì sao nó đã nhanh nhảu:

- Ông xem kìa, tàu vũ trụ đấy, cô giáo cháu bảo sau này ai cũng có thể lên cung trăng bằng con tàu đó. Có đúng không ông?

Cố đưa mắt nhìn theo hướng tay của cháu, ông giáo đã nhìn rõ những chiếc đu quay hình máy bay, tàu vũ trụ, tàu điện... bằng nhôm màu sắc thích mắt. Ông giáo già như sực tỉnh lại trong mơ ước của con trẻ, ông lặng người đi không đáp chỉ gật đầu ra hiệu là đúng. Ông vui sướng đến trào nước mắt. Một đời lăn lộn, ông chỉ ước mơ sao cho học trò của mình thành đạt, nên người, trẻ con bây giờ mơ ước cao rộng quá. Hai ông cháu lại hối hả đi cho kịp tiếng trống trường. Thoảng trong hơi gió vang lên âm thanh rộn rã của cuộc sống mới, tiếng bà hàng phở mời khách ăn sáng, tiếng trẻ con tíu tít đến trường, tiếng loa máy của thôn mời họp ... Tất cả như một luồng sinh khí mới xóa tan hơi lạnh cuối cùng của mùa đông. Ông không cảm giác hết được nhưng ánh mắt mệt mỏi một đời lăn lộn của ông đã ánh lên niềm vui ấm áp. Ông hướng về ngôi trường làng thân thuộc với niềm vui cuối đang thắp sáng trong ông. nơi đó, con ông đang say sưa giảng bài và đứa cháu đang tập viết.

            Dòng sông trước nhà vẫn chảy về cuối trời xa và ở đầu nguồn vẫn còn bao nhiêu nhánh sông hăng say để tuôn về biển góp cho đời bao sự trù phú, sinh sôi.

Trường THCS Hoa Thủy

Giáo viên: Lê Văn Thuần

 

Lê Văn Thuần
TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
HT: Lê Văn Bình
HT: Lê Văn Bình
0844897516
PHT: Lê Đình Đức
PHT: Lê Đình Đức
0844897516
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG THCS HOA THỦY, HUYỆN LỆ THỦY, TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3996258 * Email: thcshoathuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com